ỒN Ã ĐỂ PHÁT TRIỂN

Một hội thảo văn chương mà có sự ồn ã sau đó là một thành công. Đến lúc chúng ta phải thừa nhận ý kiến của tất cả diễn giả. Thử hỏi, GS-TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng cũng tham luận răng đã đọc Nguyễn Nhật Ánh (N.N.A), sách gối đầu giường và còn mua vài cuốn tặng các con. Lại một tràng pháo tay vang lên. Từ lâu, chúng ta đã quen cái cảnh “kẻ tung, người hứng” quá rồi. Như thế thì N.N.A và cả những người trong ban tổ chức hỉ hả quá mức thành công. N.H.V Hưng đã dội gáo nước lạnh, nhưng đấy là gáo nước lạnh mát lành của mùa hè oi bức. Tôi đồ rằng, N.N.A sẽ có sáng tác tuyệt đỉnh cao hơn, cho tất cả mọi người. GS Hưng đã có bài viết xuất sắc, mặc dù sau đó tác giả đã xóa đi. Các ban trên FB kịp giữ lại và thảo luận tưng bừng. Cái hay của một kỳ hội thảo lây lan qua chúng tôi, Chưa một bài viết nào tôi hào hứng đọc tới 10 lần vì có nhiều tư liệu quý như vậy. Chép lại sự kiện này trên Blog của mình và giới thiệu cùng các bạn. Cảm ơn đã theo dõi.
Lê Quỳnh Trang shared Phạm Ngọc Tiến’s post.
Yesterday at 5:46am •
TẠI SAO T KHÔNG THÍCH ĐỌC NGUYỄN NHẬT ÁNH
VÀ TẠI SAO PHẢI RÕ RÀNG VÀ XIN LỖI
T chưa bao giờ phủ nhận NNA là nhà văn lớn của thiếu nhi, là ngòi bút ảnh hưởng đến hàng triệu độc giả từ xưa đến nay. T cũng khâm phục NNA bởi sức viết, sức sáng tạo không phải nhà văn nào cũng có.
Lần đầu tiên t đọc NNA vào lớp 7, bắt đầu bộ kính vạn hoa. Đọc đúng 2 qu, t buông sách. Lớp 7 thì ko thể cho ra những bình luận sắc sảo kiểu các nhà nghiên cứu lý luận nữa. Nhưng khi đọc những trang đầu tiên, t đã tự hỏi: “Tại sao ông ấy lại viết chẳng giống Mark Twain thế này? Vì lúc đó, t đã nghiền đến nát bét 2 bộ của Mark: Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” và “Các cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”
Còn bây giờ t hiểu rằng, trí tưởng tượng khác xa lắm với sự chân thật. Có sự chân thật cũng là khoảng cách xa với sự chân thành. Có chân thật, chân thành cũng không có nghĩa là có đủ tầm triết học, có quan niệm tư tưởng. Mà có quan niệm, tư tưởng cũng chưa hẳn có sức khái quát. Nhà văn không có tư tưởng lớn làm nền móng thì tác phẩm chỉ chạy theo thị trường.
Lần thứ 2 t cầm sách của NNA, là khi mở những trang đầu của “Tôi là Bê-tô”. Rất tiếc t bỏ xuống ngay vì đã lỡ nghiền ngẫm “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Tiếng gọi nơi hoang dã”,… Bây giờ, 2 tác phẩm của Luis Sepulveda “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” và “Chuyện con ốc sên biết tại sao nó chậm chạp” khiến t ngả mũ kính phục. Ko phải t sính ngoại, mà bởi ở những tác phẩm lớn, t hiểu nhà văn ko phải chỉ có trí tưởng tượng mà họ còn là nhà tự nhiên học, là nhà động vật học… nghĩa là quan sát tinh tế với tinh thần khoa học. Ở những nhà văn lớn, khoảng cách giữa đúng và chính xác là trùng khít.
Lần thứ 3, t cầm quyển “Đảo mộng mơ”, và rất tiếc lại bỏ xuống. Vì đã lỡ đọc “Đảo của Nim”, “Pippi tất dài”, “Cuộc đời của Pi”… T hiểu được cũng là trí tưởng tượng nhưng có khoảng cách rất lớn giữa tốt và phong phú, khoảng cách nghìn trùng giữa phong phú và vĩ đại.
Và quyển duy nhất t yêu mến, trân trọng, vui mừng mua về là :Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Riêng quyển này của NNA t đã mua 5 lần vì có 4 lần đem tặng cho học trò. Khi HS hỏi t có đọc NNA ko, t rất sẵn lòng trả lời răng “cô ko thích”, tại sao, vì sao, nhưng vẫn nể phục NNA tại sao vì sao. T cũng chẳng làm mách lòng học trò, mà HS nghe t nói cũng rất thoải mái. Vì t luôn giới thiệu sách đọc cho HS nên HS luôn giới thiệu một cách rất vui vẻ và lịch sự với t rằng: “Cô ơi, cô đọc chưa, quyển này này…” từ ngôn tình cho tới những tác phẩm nằm trong vùng quan tâm của các em.
Về bài viết hội thảo NNA của ông Nguyễn H. V. Hưng , đó là quyền tự do ngôn luận, cần được sự tôn trọng dù ông ấy khen hay chê. T ko hiểu tại sao phải rõ ràng và xin lỗi? Thế thì tinh thần khoa học cho 1 hội thảo để ở đâu? Sự tôn trọng quyền nói ở đâu? Thường lời khen rất dễ tiếp nhận và đồng tình, còn lời chê thì bao đời nay đều khó nghe vô cùng, đặc biệt với đám đông. NNA có quyền tự hào về những gì ông ấy làm được trong sự nghiệp văn chương, nhà văn có quyền kiêu hãnh để bỏ qua lời khen tiếng chê kiên trì con đường mình chọn. Chứ ko phải cần lời bảo vệ kiểu “rõ ràng và nên xin lỗi” từ những người chê mình.
Và ông Nguyễn V.H. Hưng, với góc nhìn rất thú vị của người ngoại đạo, là dân tự nhiên, ông ấy nói rõ ràng và khoa học nên tư duy vốn mang tính “tương đối”, “một chiều” của những nhà khoa học xã hội chưa chấp nhận được.
Tóm lại, t thấy đây là cuộc bàn luận rất thú vị. Nhưng t tiếc vì ông Nguyễn H. V. Hưng gỡ bỏ bài viết vì phiền phức mệt mỏi.
Và rất buồn cười bởi bài phản biện cho một hội thảo khoa học lại xuất phát từ sự yêu mến, chứ ko phải từ tinh thần khoa học.
Dù sao, những điều trên chẳng làm ảnh hưởng đến vai trò, vị trí của NNA trong văn học. Ở VN, ông ấy đã là một cây đại thụ. Theo kinh nghiệm lâu năm đọc các tạp chí giải trí, những vụ Xì căng đan ồn ào tranh cãi thì cái lợi thuộc về… nghệ sĩ vì họ bán hàng tốt hơn pacman emoticon

Phạm Ngọc Tiến with Nguyen Pham Xuan and 3 others
CẦN MỘT SỰ RÕ RÀNG VÀ LỜI XIN LỖI
Tính tôi không vòng vo. Cần một sự rõ ràng và lời xin lỗi của giáo sư tiến sĩ toán học Nguyễn Hữu Việt Hưng khi ông viết bài “Ghi chép của một kẻ ngoại đạo về một hội thảo văn chương” (Hội thảo về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với chặng đường sáng tác cho thiếu nhi). Bài viết được post trên fb cá nhân của ông với nội dung có thể hiểu là phê phán hội thảo ngợi ca một chiều nhưng cái đích ngắm đến là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với sự phủ nhận hàng triệu cuốn sách cùng xấp xỉ con số ấy độc giả thiếu nhi đã say mê đọc Nguyễn Nhật Ánh trong gần 30 năm qua mà đỉnh điểm là sự giễu cợt với nghi vấn Nguyễn Nhật Ánh thuê 20 người viết để anh đứng tên. Bài viết của một người nổi tiếng là thày của rất nhiều nhà khoa học và sinh viên và nhiều fan hâm mộ đã tạo sự lan truyền lớn với hàng ngàn lượt like, vài trăm shere và không ít comment hưởng ứng ca ngợi. Trong số đó có những giáo sư tiến sĩ văn chương đáng kính như ông Trần Đình Sử và không ít người khác. Một trò đùa. Đã có những biện hộ như thế. Thậm chí ông giáo sư còn công khai cái sự chưa hề đọc một dòng nào của NNA giữa hội thảo, một điều rất không khoa học của một nhà khoa học. Và khi một số nhà văn, nhà làm sách dẫn bài về trang lên tiếng phản đối thì ông giáo sư Hưng đã gỡ bỏ bài với lời biện hộ là ông chỉ có ý phê phán hội thảo và nữa là sự mệt mỏi và sau cùng ông tuyên bố ra khỏi câu chuyện này. Thật sự khi dẫn link của ông về chúng tôi chỉ cần sự đối thoại của ông để có thể kết thúc êm đẹp nghi vấn chết người tương tự trong lịch sử (nhà văn Lê Văn Trương) kia nhưng ông đã xử sự một cách trịch thượng giống như toàn bộ nội dung và ngữ điệu bài việt. Và ông không công nhận sự thật bài viết của ông độc hại thế nào. Sau sự tung hô bài viết của ông bao nhiêu bậc phụ huynh sẽ hoang mang không dám cho con mình đọc Nguyễn Nhật Ánh. Nhà văn là người đa cảm yếu đuối như Nguyễn Nhật Ánh sẽ đón nhận sự vu khống vô sỉ này thế nào? Văn hóa đọc đất nước đã đến mức báo động. Điểm sáng duy nhất là những cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh duy trì mức độ sự say mê đọc ở một phần trẻ nhỏ là điều không chỉ đáng quý mà còn là niềm tự hào. Là một người thày, một nhà khoa học sao ông nỡ làm thế.
Tôi sẽ không viết những dòng này nếu ông dũng cảm đối thoại thanh minh cho bài viết đêm qua trước khi ông gỡ bài khỏi tường chúng tôi. Ông sai rồi, giáo sư. Hãy rõ ràng chuyện này kèm một lời xin lỗi. Xin lỗi ai? Xin lỗi nhà văn có tâm hồn trẻ thơ suốt cuộc đời dành cho trẻ nhỏ những trang sách thân yêu tựa như những ve vuốt dịu hiền để nâng đỡ tâm hồn chúng sáng trong trước cuộc đời dâu bể. Xin lỗi hàng triệu bạn đọc nhỏ của nhiều thế hệ trong gần 30 năm qua đã đọc và tin yêu Nguyễn Nhật Ánh như tin yêu cuộc sống này.
Ps: Tôi may mắn đã kịp coppi bài viết của ông trước khi bị gỡ. Xin phép ông được đăng vào đây để mọi người cùng đọc đặng có những phân tích đánh giá công tâm.
(Bài viết của giáo sư tiến sĩ toán học Nguyễn Hữu Việt Hưng:
GHI CHÉP CỦA MỘT KẺ NGOẠI ĐẠO VỀ MỘT HỘI THẢO VĂN CHƯƠNG
Sáng 16/9/2015 tôi được mời dự Hội thảo “Nguyễn Nhật Ánh – Hành trình chinh phục tuổi thơ”. Chả là bạn tôi, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn học – Nghệ thuật trẻ em (ĐH Sư phạm Hà Nội), cơ quan tổ chức Hội thảo, có nhã ý mời. Có bạn bè làm to, mình cũng oách lây.
Tôi đến hội thảo trước hết vì tò mò. Cả đời, đây là lần đầu tiên tôi được dự một hội thảo văn chương. Cố tình đến muộn một chút, vì tính tôi vốn ngại những màn giao đãi trịnh trọng, tôi chọn một chỗ khuất, phía sau, bên “cánh gà”, mà lại tiện quan sát cả phòng hội thảo. Tôi tự nhủ: Ngồi đây yên trí rồi.
Phần đầu của hội thảo rất giàu âm hưởng ngợi ca. Các bản tham luận nối nhau khẳng định Nguyễn Nhật Ánh là một hiện tượng của văn học cho thiếu nhi Việt Nam những năm gần đây. Ông viết rất khoẻ, rất đều, số đầu sách nhiều, số bản in lớn, sách bán rất chạy. Thời buổi kinh tế thị trường này, còn mong gì hơn?
Đại diện một nhà sách phía Nam nhận định: “Truyện của Nguyễn Nhật Ánh không thể nói là rất hấp dẫn, mà phải nói là vô cùng hấp dẫn”. Một nhóm sinh viên văn khoa ĐHSP thành phố HCM, dưới sự chỉ đạo của một ông thầy, lại tiến hành một nghiên cứu xã hội học về hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh: Các bạn này chiếu lên màn hình cảnh độc giả xếp hàng rồng rắn chờ xin chữ ký của nhà văn. Các bạn trình ra một số bức ảnh ở các hiệu sách lớn của thành phố, nơi các ngăn sách của Tô Hoài và Trần Đăng Khoa nhỏ tẹo, còn ngăn sách Nguyễn Nhật Ánh thật hoành tráng. Dường như các bạn sinh viên này muốn khẳng định bất đẳng thức sau đây: Tô Hoài cộng với Trần Đăng Khoa nhỏ hơn Nguyễn Nhật Ánh. Tôi thấy bất đẳng thức ấy có nhiều nét giống với bất đẳng thức sau đây: Một tấn cộng với một mét vuông nhỏ hơn 10 mét. Lúng túng không biết chứng minh bất đẳng thức này như thế nào, tôi bèn tự nhủ, nếu bỏ đi các đơn vị thì đó là một bất đẳng thức hiển nhiên. Có lý quá đi thôi.
Một nữ phó giáo sư xinh đẹp, nghiên cứu về Văn học Nhật Bản, đem truyện của Nguyễn Nhật Ánh so sánh với truyện của một nữ văn sĩ Nhật Bản nào đó. Nghiên cứu của PGS này tỏ ra công phu, tuy hơi sa đà vào chi tiết, trong đó tôi quan tâm nhất đến một kết luận: Truyện của hai nhà văn này giống nhau ở chỗ chúng cùng được chia làm một số chương đoạn. Tôi giật mình, trời đất ơi, làm gì có cuốn truyện dài nào mà không được chia thành một số chương đoạn nhỉ? Hay kiến văn của mình hạn hẹp, không biết được rằng thật ra cũng có một vài người viết truyện dài mà không chia chương đoạn? Tôi tự thấy xấu hổ vì tôi không hiểu được sau nghiên cứu khá công phu ấy, kết luận của nữ PGS là gì, hình như chị không có ý định bảo rằng một trong hai nhà văn ấy chép truyện của người kia.
Một giáo sư trẻ, chuyên ngành văn học nước ngoài, khẳng định hùng hồn: “Nếu truyện của Nguyễn Nhật Ánh được dịch ra tiếng nước ngoài, thì chắc chắn chúng còn chinh phục cả thế giới”. Tôi suýt nữa bật ra câu hỏi: “Thưa ông, làm thế nào ông khẳng định chắc chắn điều đó?” Nhưng rồi ngại làm mất thời gian của hội thảo, tôi im lặng. Bụng bảo dạ: Chỉ có trong ngành Toán lẩn thẩn của nhà ngươi mới có chuyện muốn khẳng định cái gì thì phải chứng minh. Còn ở đây, nếu thấy đúng rồi thì người ta phải khẳng định chứ. Không nói, nhỡ người khác chộp mất ý ấy thì sao? Mà nếu như cái gì cũng phải chứng minh thì biết đến bao giờ mới có ngành khoa học văn chương. Thế còn, ngộ nhỡ sau này điều dự báo đó sai thì sao ư? Thì càng có đất để các thế hệ sau nghiên cứu về khẳng định sai của giáo sư này. Từ đó, mới sản sinh thêm các tiến sĩ, các PGS, và các GS chứ. Nghĩ được đến đây, tôi thấy nhẹ nhõm cả người, yên tâm hẳn.
Ấn tượng nhất đối với tôi có lẽ là khẳng định của một nữ học giả. Chị nói: “Nguyễn Nhật Ánh đã đi đến tận cùng nhân loại”. Lúc ấy, có vài tiếng xì xào nho nhỏ, rồi cứ to dần. Cảm thấy đã lỡ lời, nữ học giả xin lỗi và nói lại: “Nguyễn Nhật Ánh đã đi đến tận cùng dân tộc, và do đó ông gặp nhân loại”. Câu này nghe quen quen. Ở nước ta, xưa nay chỉ khi nói về Nguyễn Du người ta mới dám dùng đến mệnh đề ấy: “Ông đã đi đến tận cùng dân tộc, và do đó ông gặp nhân loại”. Nay nữ học giả này xếp thêm Nguyễn Nhật Ánh vào phạm trù này. Trộm nghĩ, kể cả khi vinh danh các Nobel văn chương, người ta cũng chưa bao giờ dám dùng mệnh đề “ông (hay bà) đã đi đến tận cùng nhân loại”. Bởi vì, nếu đã đi đến chỗ ấy rồi, thì chắc ông hay bà ấy sẽ gặp… những người ngoài hành tinh. Thế mới biết văn chương ghê gớm thật.
Cứ nghĩ rằng Hội thảo là một bản Giao hưởng, sẽ đại loại gồm có 3 chương. Sau chương đầu Ngợi ca, sẽ có thể là chương hai Suy ngẫm. Rồi, rất có thể Giao hưởng sẽ khép lại bằng chương ba, Khải hoàn. Nhưng tôi nhầm. Chuyện đó xưa rồi. Hội thảo là một bản đồng ca một bè, âm hưởng Ngợi ca.
Nói cho đúng, hội thảo cũng có phần hai: Cảm nghĩ của những người tham dự. Thế mới chết tôi. Trước đó, tôi đã khăng khăng từ chối lời mời đọc một tham luận tại hội thảo. Bây giờ thì tôi không tránh đâu được nữa. Bạn tôi cứ nhất thiết đòi tôi phát biểu cảm nghĩ.
Tôi đành phát biểu như sau:
“Đối với hội thảo này, tôi là một kẻ ngoại đạo, vì tôi là một người làm toán. Tôi xác định đến đây như một fan hâm mộ, chỉ có một nhiệm vụ đơn giản là “đi đứng nghiêm chỉnh, vỗ tay luôn luôn”. Ngoài ra, “biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”. Tôi phải thú thật rằng, cho đến lúc này, tôi chưa hề đọc một dòng nào của Nguyễn Nhật Ánh, vì tôi bận quá. Trên đường đến hội thảo, tôi tự hỏi, vậy tác phẩm văn học cho thiếu nhi mà tôi đọc gần đây nhất là cuốn gì? Và tôi tự trả lời: tiểu thuyết “Không gia đình” của Hector Malot. Thì ra, đối với “Không gia đình”, việc không có thời gian chẳng phải là một lý do để chối từ.
Tôi đã nghe rất nhiều tham luận khẳng định rằng truyện của Nguyễn Nhật Ánh rất hay, cực kỳ ăn khách. Tôi chờ đợi được nghe các chuyên gia cắt nghĩa truyện của Nguyễn Nhật Ánh hay ở chỗ nào? Vì sao nó hay? Nó hay bằng cách nào? Nó mới thế nào? Mới so với cái gì? Và không mới so với cái gì? Cũng có thể các chuyên gia văn học bảo, giả định thôi, rằng truyện của Nguyễn Nhật Ánh cũng như ca từ của Trịnh Công Sơn ấy, nó cứ hay thôi, không thể phân tích vì sao nó hay. Tôi chấp nhận đó cũng là một lý giải. Nhưng hôm nay, từ sáng đến giờ, tôi vẫn lắng nghe, mà chưa được cắt nghĩa những câu hỏi ấy. Cũng có thể, do kiến văn hạn hẹp, tôi nghe mà không hiểu chăng.
Chúng ta không lạ với hiện tượng thế này: Các tác phẩm văn học nghệ thuật hàng đầu thường kén khán giả, độc giả. Những buổi hoà nhạc cổ điển của những dàn nhạc giao hưởng hàng đầu thế giới thường không có cảnh khán giả phải xếp hàng rồng rắn. Lượng khán giả của âm nhạc cổ điển bao giờ cũng không đáng kể so với nhạc Rock, nhạc Rap… Còn những tác phẩm best seller thì thường không phải văn học hàng đầu, chúng không chịu được thử thách của thời gian. Từ góc độ như thế, một câu hỏi được đặt ra là: Văn chương của Nguyễn Nhật Ánh có phải best seller không? Nó có đi được cùng năm tháng hay không?”
Thế là tôi trở thành người duy nhất trong hội thảo không hát với giọng ngợi ca.
Khi tới hội thảo, tôi mong nhưng không được gặp một số bậc thầy, bậc đàn anh ở khoa Văn ĐHSP Hà Nội mà tôi đã hân hạnh quen biết: GS Nguyễn Đăng Mạnh, GS Nguyễn Đình Chú, GS Phùng Văn Tửu, GS Trần Đình Sử, PGS La Khắc Hoà… và ngậm ngùi nhớ PGS Nguyễn Đăng Na. Để khỏi bị xem là trách móc, tôi chỉ ngập ngừng hỏi: “Sao không mời cụ Mạnh”? Câu trả lời là “Vì lo cụ không được khoẻ”. PGS Nguyễn Văn Long, nguyên chủ nhiệm bộ môn Văn học Viêt Nam hiện đại, dự hội thảo, nhưng không phát biểu. PGS Nguyễn Thị Bình, nguyên chủ nhiệm gần đây nhất của bộ môn Văn học Viêt Nam hiện đại, được mời phát biểu, nhưng chị khéo léo từ chối. TS Trần Hạnh Mai, TS Phan Hồng Xuân, TS Dương Thị Hương, TS Nguyễn Thu Nga… cũng không phát biểu, có lẽ họ giữ tư cách chủ nhà.
Cũng như phần lớn các hội thảo trên đất nước ta, đến 12 giờ trưa, hội thảo thành công tốt đẹp. Nếu phải nói về hội thảo tóm gọn trong mấy chữ, thì tôi thấy thế này: “Hội thảo bị ngạt tính từ, thiếu chất trạng từ”.
Bữa cơm trưa thật vui, ấm cúng. Dàn nữ tiến sĩ văn chương của chủ nhà ĐHSP Hà Nội trẻ, đẹp, duyên dáng, và mến khách. Thế này thì tổ chức hội thảo nào mà chẳng thành công.
Sau bữa cơm, cử tọa quây quần bên ấm trà Thái Nguyên. Màn đọc thơ sôi nổi và đầm ấm. Riêng tôi, tự thấy như có lỗi vì không đóng góp được gì cho hội thảo, tôi xin đọc bài thơ “Nghĩ lại về Pautovsky” của Bằng Việt:
(Trích)
“Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, cuộc đời không phải thế
Giọt nước soi trên tay không cùng mầu sóng bể
Bể mặn mòi sôi sục biết bao nhiêu…”
“Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, anh hiểu rằng không phải
Như tuổi thơ vừa đó đã xa vời…”
Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Trước khi chia tay, cử toạ cùng nhau nhại theo giọng Phạm Quỳnh nói về Truyện Kiều mà cao giọng thế này: “Văn học thiếu nhi còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn.”
DƯ CHẤN
Hôm sau, tối 17/9/2015, tôi và mấy người bạn có cuộc rượu Mai Châu. Nghe tôi kể về Hội thảo hôm trước, bạn tôi, một nhà toán học đẳng cấp, bảo: “Mọi người rỉ tai nhau rằng Nguyễn Nhật Ánh thuê chừng 20 người viết truyện, để ông ta ký tên”. Cô bạn xinh đẹp ngồi bên, bị hút vào câu chuyện, bèn hỏi: “Anh có chứng cứ gì không”. Ô hay, ở cái đất nước này, đến tham nhũng tràn lan còn chẳng có chứng cứ nào, huống chi chuyện viết văn thuê. Riêng phần mình, tôi chẳng quan tâm đến chuyện viết thuê, nếu có. Trước hết, chuyện đó không phạm luật, luật của Việt Nam cũng như của bất kỳ quốc gia nào khác.
Để luận bàn, ta hãy nhớ về nhà văn Pháp Alexandre Dumas (1802-1870), tác giả những tiểu thuyết nổi tiếng Ba chàng lính ngự lâm, Bá tước Monte Cristo… Bạn cứ thử cầm lên một cuốn truyện của ông và đọc thử một đoạn. Tôi đố bạn đủ sức gấp cuốn truyện đó lại trước khi đọc nó nghiến ngấu cho đến hết. Điều này đã diễn ra suốt gần 200 năm qua, với hầu như tất cả loài người. Cũng có những lời đàm tiếu về việc Alexandre Dumas thuê những cộng sự viết cho ông. Dù sao, ông đã được thờ trong điện Panthéon. Mặt khác, văn chương của ông, dù nổi như cồn, vẫn là thứ văn chương giải trí, và chưa bao giờ được xếp ở hàng đầu.
Một ví dụ khác, từ giữa thế kỷ 20 xuất hiện một cái tên nổi tiếng, Nicolas Bourbaki, tác giả của hàng loạt chuyên khảo toán học hàng đầu thế giới. Không lâu sau, cả thế giới đều biết Bourbaki không phải một người, mà là một nhóm các nhà toán học Pháp lừng lẫy. Chưa bao giờ có bất kỳ công bố chính thức nào của Bourbaki, thừa nhận rằng đó là một nhóm, và về những thành viên của nhóm mình. Nhưng cả thế giới toán học đều biết nhóm này do những ai sáng lập, hiện gồm những ai, những ai vừa được kết nạp vào nhóm… Những cuốn sách của Bourbaki đều là các tác phẩm hàng đầu. Người khen chúng rất nhiều, mà người chê chúng cũng không ít. Khen thì khỏi phải nói rồi, về chất lượng học thuật, về tính hàn lâm, về sự chặt chẽ trong kết cấu và lập luận. Còn chê cũng đủ kiểu, chủ yếu người ta bảo Bourbaki chủ trương tiên đề hoá mọi thứ, và do đó giết chết sự tươi mát của toán học. Dù sao, Bourbaki vẫn nổi như cồn. Và hầu hết các nhà toán học trên thế giới đều ước ao được trở thành thành viên của nhóm đó.
Sau đây là một ví dụ còn thô bạo hơn nữa. Từ xưa đến nay, khoảng hơn 95% các giới hạn mà con người tính được đều là nhờ áp dụng cái gọi là quy tắc l’Hôpital. Quy tắc này, tiếc thay lại không phải của Marquis de l’Hôpital (1661-1704), mà do ông mua của nhà toán học Thụy sĩ, Johann Bernoulli (1667-1748). Loài người còn lưu giữ được hợp đồng mua bán đó, dẫu rằng cuối đời Bernoulli có phàn nàn về sự không tử tế trong việc thực hiện hợp đồng. Các ông thầy dạy Toán vẫn giảng tường minh về sự mua bán này. Còn quy tắc nổi tiếng đó thì vẫn mang tên l’Hôpital.
Ngày nay, nếu bạn in một công trình khoa học trên một tạp chí của Hội Toán học Mỹ (AMS), thì trước khi bài báo được in bạn phải ký một văn bản chuyển bản quyền, trao cho AMS độc quyền in bài báo này. Văn bản chuyển bản quyền có 2 phần. Nếu bạn là tác giả bài báo, thì ký vào phần A. Còn nếu bạn là chủ sở hữu, thuê tác giả viết bài báo cho mình, thì ký vào phần B.
Tôi phải dài dòng như thế là để chứng tỏ rằng nếu như Nguyễn Nhật Ánh có thuê người viết văn thuê, hoặc cùng viết với ông ấy, thì theo luật pháp và thông lệ quốc tế, cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên hay lo ngại.
Điều quan ngại duy nhất của tôi là tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh (dù đó là tên của một người hay một nhóm người) thực ra ở đẳng cấp nào? Nó có sống được cùng với thời gian hay không?
Nguyễn H. V. Hưng)
Like Comment Share
• Nguyễn H. V. Hưng and 20 others like this.
• Comments


• Hải Nam Nguyễn Tôi thật sự ngạc nhiên khi đọc bài của anh Phạm Ngọc Tiến, qua chia sẻ của chị Lê Quỳnh Trang. Tính tôi cũng không vòng vo, nên nói thẳng luôn là tôi nghĩ anh Phạm Ngọc Tiến hoặc là mới chỉ đọc lướt hoặc là đọc mà không hiểu bài viết của anh Nguyễn H. V. Hưng hoặc là có đã ứng xử không bình thường (nổi xung lên chỉ vì người ta chưa khen thần tượng của mình). Rồi lại còn lo lắng bài viết sẽ ảnh hưởng đến phụ huynh học sinh thế nào và “người đa cảm yếu đuối như Nguyễn Nhật Ánh” sẽ ra sao?… thế nên anh Phạm Ngọc Tiến đã đưa ra đòi hỏi thậm vô lý và dùng cả những lời lẽ nặng nề xúc phạm đến anh Nguyễn H. V. Hưng. Tôi nghĩ anh Phạm Ngọc Tiến cần xin lỗi anh Nguyễn H. V. Hưng mới phải lẽ.

Là một độc giả bình thường, tôi cũng có suy nghĩ như anh Nguyễn H. V. Hưng, khi nghe người ta khen tác giả nào đó, cuốn sách nào đó, tôi cũng muốn biết cụ thể là người ta khen cái gì, vì điều gì, … đặc biệt là khi nghe những người làm chuyên môn về văn học và ngôn ngữ học nói. Nghe cả buổi mà chỉ thấy người ta khen hay lắm, không phải là hay nữa mà tuyệt hay, … đến mức như là một hiện tượng kỳ vĩ của Việt Nam và có khi cả thế giới nữa… mà hầu như không có dẫn chứng lý giải gì, phân tích gì thì phải thấy làm lạ chứ! (xin thưa là suy nghĩ như thế này chả liên quan gì đến việc tôi đã đọc tác giả ấy hay chưa).

Nhưng có lẽ có điều tôi chưa hiểu hay là hiểu một chút mà không ngờ đến mức độ là văn hóa like của FB đã ngấm vào tư duy của số đông rồi. Đọc thấy truyện hay thì bấm cái nút like một cái để bảo rằng hay là xong, cần quái gì phải giải thích! Những nhà phê bình nghiên cứu văn học sẽ nghĩ sao nếu sau này người ta nghiên cứu tác phẩm chỉ theo cách viết cái chương trình con con dán lên mạng hỏi rằng cuốn sách này có hay không? rồi chờ kết quả đếm được và viết bài khẳng định tác phẩm hay hoặc không hay hoặc hay vừa vừa thôi!?
Like • Reply • 9 • Yesterday at 8:56am • Edited

Hung Danmanh Hoan hô Lê Quỳnh Trang. Bạn đã trả lời hộ độc giả: Tại sao phải xin lỗi!
Hội thảo, hay bất kỳ hội nghị nào khác, thành công tốt đẹp. Hội thảo về Nguyễn Nhật Ánh (N.N.A) cũng vậy. Những người làm công tác kỹ thuật cũng ngưỡng mộ N,N,A lắm,. Chẳng thế mà trong cài đặt Win XP, Vinaghost đã cho tiêu đề là “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”.
tuoitho
N.N.A đã có 2 tác phẩm nên đọc, “kính vạn hoa và…tuổi thơ”. Chừng ấy vẫn chưa đủ để ghi lại cái sôi động của XH ta qua 40 năm xây dựng. Cần một N.N.A yêu thương con trẻ nhưng cũng hết mình về văn thơ cho tất cả.
Còn rõ ràng ư? Tất cả đã rõ: GS N.H.V.Hưng nêu đúng sự thật – không đọc một cuốc sách nào của Nguyễn Nhật Ánh. Đọc hay không là quyền của mỗi người. Nói đúng sự thật ấy, là sự may mắn cho N.N.A vì biết đâu, qua hội thảo này, N.N.A sẽ sáng tạo hơn trong những sáng tác tiếp theo, viết hay hơn…đúng tâm lý của cả người lớn. Người lớn và những bậc đàn anh trong mọi lĩnh vực, kể cả những nhà Toán học vốn dĩ khô khan (dư luận), nhưng rất tường minh trong định nghĩa. Một với một là hai, chứ không thể là một số (tưởng tượng) nào khác. Lấy lòng nhau làm gì khi mà sự thật còn lâu các tác phẩm của N.N.A mới sánh kịp Một “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài – trẻ em, người lớn đều thích, hay một Nguyễn Du vĩ đại, chỉ cần 1 tác phẩm để đời. Chúng ta chẳng bao giờ đi tới tận cùng dân tộc hay tận cùng thế giới được.
Ý kiến trái chiều trong hội thảo. Một Nguyễn Nhật Ánh hay một nhóm mang tên N.N.A thì cũng chẳng sao, chúng tôi – những độc giả khó tính – chấp nhận là được.
Đáng ra, N.N.A phải xin lỗi vì tác phẩm chưa tới được tầm cao để các bậc lão làng đọc hay để trên kệ sách. Vì thế, đưa ra câu “phải xin lỗi” thì tôi, phải đến xem P.N.T hay P.X.N có ấm đầu hay không?
Đan Mạnh Hùng – hungdm1 – hungdm100.
Unlike • Reply • 8 • 22 hrs • Edited

Quang Minh Tiếp nhận văn học vốn đa chiều. Các cách nhìn khác nhau là đương nhiên. Càng nhiều cách nhìn thì hiện tượng văn học càng được soi rọi sáng tỏ. Ủng hộ cách cô giáo chuyên văn trao đổi cởi mở, bình đẳng với học trò về văn học và tiếp nhận văn học. Trân trọng tiếng nói khác bè của bất kì ai, chưa cân đúng sai, nói khác đã là dũng cảm và có chính kiến (huống gì nói khác mà vừa đúng vừa trúng hè!).
Like • Reply • 6 • 21 hrs • Edited

Lê Quỳnh Trang hí hí. thấy GS. Hưng đứng ngoài lề, sợ hết chuyện nên iem quăng bom cho vui. Càng cãi càng có nhiều vấn đề, càng ồn ào náo nhiệtQuang Minh
Like • Reply • 2 • 21 hrs

o View previous replies
o
Lê Quỳnh Trang em thì LIKE chữ CƯNG của cô
Like • Reply • 21 hrs
o View more replies

Vân Anh Hoàng Huy
Like • Reply • 9 hrs

Thu Nguyenthi Nghe bác ấy nói mà thấy sởn gai ốc. Đậm chất Gạc-điêng…
Like • Reply • 7 hrs

Hải Xanh GS Hưng H. V. Nguyễn chỉ đưa ra một số thắc mắc của mình theo tư duy khoa học, để đi tìm chân lý và ý nghĩa. Chúng ta nếu có bình luận, hay thắc mắc về bài viết của GS thì cũng cần phải dựa vào nguyên tắc khoa học, tránh biểu thị những biểu cảm hay thái độ không cần thiết, thiếu đúng đắn trong ngữ cảnh khoa học này.
Like • Reply • 58 mins • Edited